TPHCM xác định công nghệ và dữ liệu số là công cụ cho đột phá kinh tế số
Với chủ đề năm 2023 “Dữ liệu số”, TPHCM tập trung vào việc phát triển, khai thác dữ liệu để phục vụ cho quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số tại địa phương.
TPHCM đề cao tầm quan trọng của dữ liệu số
Hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia 10.10, UBND TPHCM, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Triển lãm và Hội nghị Tech4life 2023 với chủ đề “Công nghệ nâng tầm cuộc sống 2023”. Sự kiện khai mạc vào sáng nay, 4.10.
Trong năm 2022, kinh tế số tại TPHCM đã đóng góp GRDP (Tổng sản phẩm bình quân đầu người) ước đạt gần 1,5 triệu tỉ đồng, tỉ trọng đóng góp kinh tế số trong GRDP ước đạt khoảng 19%. Thành phố đang đặt mục tiêu phấn đấu tỉ trọng kinh tế số đạt 25% đến năm 2025, và 40% vào năm 2030 – cao hơn mục tiêu quốc gia 5-10%, để tiếp tục là đầu tàu kinh tế cả nước.
Với tầm nhìn đến năm 2030 “TPHCM trở thành đô thị thông minh”, ngay từ năm 2018, khi xây dựng kiến trúc Chính quyền điện tử, thành phố đã xác định: “Tận khai thác dữ liệu” là một nhiệm vụ trọng tâm và Kho dữ liệu dùng chung là giải pháp thực hiện xuyên suốt trong lộ trình rút ngắn khoảng cách giữa hiện trạng về kiến trúc mục tiêu đến năm 2025.
Khai thác dữ liệu tạo đột phá cho kinh tế số TPHCM
Phát biểu chỉ đạo tại sự kiện, ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TPHCM đề cao yếu tố công nghệ trong chiến lược phát triển của địa phương. Ông nói: “Ngày nay, mọi khía cạnh công nghệ tác động đến cuộc sống TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung. Hiểu rõ, nắm bắt cơ hội ứng dụng và sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là công nghệ số, sẽ là yếu tố quyết định chất lượng phát triển mỗi địa phương, quốc gia.
TPHCM có trách nhiệm thúc đẩy áp dụng công nghệ một cách thông minh, thực hiện chuyển đổi số hiệu quả, đảm bảo với ứng dụng công nghệ thành phố phát triển bền vững không để ai bỏ lại phía sau”.
Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM cho biết, hiện nay thành phố tập trung xây dựng 3 nhóm dữ liệu: Nhóm dữ liệu về người dân; Nhóm dữ liệu tài chính – doanh nghiệp; Nhóm dữ liệu về đất đai – đô thị, đồng thời mở rộng xây dựng Hạ tầng số và tăng cường an toàn thông tin.
Ngoài ra, địa phương sẽ triển khai nền tảng số của các hệ thống thông tin quy mô thành phố, thực hiện chuyển đổi số, xây dựng hệ sinh thái sáng tạo, đổi mới, triển khai chương trình AI, nền tảng dữ liệu mở. Đây là những nền tảng cơ bản để thúc đẩy phát triển đột phá kinh tế số tại TPHCM.
Ông Bùi Văn Trinh, Phó Tổng Giám đốc Deloite Việt Nam cũng đề cao tầm quan trọng của dữ liệu số. Ông nêu lên 7 trụ cột thúc đẩy hành trình trưởng thành số bao gồm: Làm chủ dữ liệu; Cơ sở hạ tầng an toàn, linh hoạt; Nguồn nhân lực “sành công nghệ”; Sự tham gia của hệ sinh thái; Quy trình làm việc thông minh; Hợp nhất trải nghiệm công dân/doanh nghiệp; Cải tiến, sáng tạo mô hình cung cấp dịch vụ mới.
Chia sẻ với quan điểm này, bà Nguyễn Trúc Vân – Giám đốc Trung tâm Mô phỏng và Dự báo Kinh tế – Xã hội TPHCM đề xuất 6 chiến lược để có thể phát triển kinh tế số tại địa phương.
Bà Vân chia sẻ: “TPHCM cần tăng cường khả năng cạnh tranh kinh tế thông qua số hóa bao gồm: Tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng, tiếp cận và sử dụng hiệu quả công nghệ kỹ thuật số ở mọi quy mô doanh nghiệp và mức độ trưởng thành về kỹ thuật số.
Thúc đẩy phát triển ngành bằng cách tăng cường sự tham gia của địa phương; Xây dựng khung pháp lý để đáp ứng nền kinh tế kỹ thuật số và khuyến khích các mô hình kinh doanh đổi mới, phát triển cụm công nghiệp số và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp”.
Theo Laodong.vn